color mix

6 cách phối màu cơ bản trong trang trí nội thất

Trước khi tìm hiểu 6 cách phối màu cơ bản, mình sẽ giới thiệu cho các bạn về Bánh xe màu sắc và một số thuật ngữ thông dụng. Đây chính là kim chỉ nam để tạo nên những nguyên tắc phối màu cơ bản.

Những nguyên tắc phối màu này không chỉ được áp dụng trong trang trí nhà mà còn có thể dùng trong trang trí website, thiết kế poster, quảng cáo,…

Bánh xe màu sắc 

  • Màu sơ cấp: đỏ, vàng, lam
  • Màu thứ cấp: cam, lục, tím
  • Màu tam cấp: đỏ cam, cam vàng, vàng lục, lục lam, lam tím, tím đỏ
6 cách phối màu cơ bản trong trang trí nội thất 1
Bánh xe màu sắc

Thuật ngữ

  • Màu thuần khiết (Hue): 12 màu gốc trong bánh xe màu sắc
  • Màu tối (Shade): Màu gốc + màu đen → Làm tối màu gốc
  • Màu sáng (Tint/Pastel): Màu gốc + màu trắng → Làm sáng màu gốc 
  • Màu trung tính (Tone): Màu gốc + màu xám → Làm cân bằng màu sáng và tối

6 cách phối màu cơ bản từ Bánh xe màu sắc

1. Phối màu đơn sắc (Monochromatic)

Đây là cách phối màu đơn giản và dễ dàng nhất vì bạn chỉ sử dụng 1 màu duy nhất. Việc phối hợp hài hòa giữa các sắc độ khác nhau của màu chủ đạo sẽ tạo cảm giác mở rộng về không gian. 

6 cách phối màu cơ bản trong trang trí nội thất 2
Phối màu đơn sắc

Để tránh làm cho căn phòng trở nên ngột ngạt, bạn hãy sử dụng màu trắng/đen để tạo khoảng trống nghỉ mắt.

2. Phối màu tương đồng (Analogous)

Thường cách này sẽ sử dụng 3 màu với 1 màu làm màu chủ đạo mà 2 màu còn lại làm màu nhấn. 

6 cách phối màu cơ bản trong trang trí nội thất 3
Phối màu tương đồng

Sự kết hợp giữa các màu nằm kề nhau tạo nên một sự chuyển tông hài hòa, dễ chịu nhưng không có tác dụng làm nổi bật như cách phối màu thứ 3.

3. Phối màu bổ sung (Complementary)

Đây là cách phối màu phổ biến nhất vì khả năng gây ấn tượng mạnh về thị giác, tạo cảm giác trẻ trung, năng động.

6 cách phối màu cơ bản trong trang trí nội thất 4
Phối màu bổ sung

Bạn nên chọn 1 màu chủ đạo và màu kia dùng cho những mảng chi tiết nhỏ hơn để nhấn mạnh vào độ tương phản. Chính vì sự tương phản giữa 2 màu, cách này không phù hợp để tạo cảm giác thư giãn và nhẹ nhàng cho căn phòng. 

4. Phối màu bổ sung xen kẽ (Split-complementary)

Từ cách Phối màu bổ sung, ta có thể mở rộng ra cách phối màu theo hình chữ Y với một màu tương phản và hai màu bên cạnh màu tương phản kia.

6 cách phối màu cơ bản trong trang trí nội thất 5
Phối màu bổ sung xen kẽ

Cách phối màu này giúp cho đa dạng màu hơn và làm giảm bớt độ tương phản.

5. Phối màu bổ túc bộ ba (Triadic)

Đây là cách phối màu tạo nên sự cân bằng như cách Phối màu tương đồng nhưng đa dạng hơn về màu sắc như cách Phối màu bổ sung. 

6 cách phối màu cơ bản trong trang trí nội thất 6
Phối màu bổ túc bộ ba

Cũng chính vì sự cân bằng này, đôi khi bạn vẫn sẽ thấy cách kết hợp này khá đơn điệu và thiếu sáng tạo. Bạn nên kết hợp thêm một số màu trung tính khác để trung hòa.

6. Phối màu bổ túc bộ bốn/ đôi bổ sung (Tetradic/Double Complementary)

Đây là cách phối màu phức tạp. Việc sử dụng cả 4 màu với cùng một mức độ có thể tạo ra sự hỗn loạn. Ở cách phối màu này, bạn cần chú ý cân bằng giữa gam màu nóng lạnh và độ đậm nhạt của màu.

6 cách phối màu cơ bản trong trang trí nội thất 7
Phối màu bổ túc bộ bốn

Lưu ý: Nội dung bài viết thuộc bản quyền của fikadecor.vn (không bao gồm một số hình ảnh). Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại fikadecor.vn. Các hình ảnh sử dụng trong bài viết này được tổng hợp từ hình ảnh lấy từ Pinterest hoặc các cửa hàng decor trong nước.

Mở rộng: Quy tắc 60-30-10

Để đạt được hiệu quả cao khi phối từ 3 màu trở lên, bạn có thể tham khảo quy tắc 60-30-10. Cụ thể với quy tắc này: 

  • 60% màu chủ đạo: Sử dụng cho những mảng lớn (tường, sàn, thảm lớn,…) để thể hiện mood của căn phòng.
  • 30% màu cấp 2: Đây là màu bổ trợ cho màu chủ đạo, sử dụng cho những món đồ nội thất (mảng tường nhỏ, bộ bàn ghế, giường, tủ,…)
  • 10% màu nhấn: Dù chiếm 1 phần nhỏ trong thiết kế nhưng đây là phần không thiếu vì nó giúp tạo điểm nhấn cho căn phòng của bạn. Bạn có thể sử dụng 1-2 màu nhấn cho những đồ trang trí (tranh, ghế trang trí, gối trang trí, đèn, bình hoa,…)
6 cách phối màu cơ bản trong trang trí nội thất 8
Quy tắc 60-30-10 – Ảnh: Pinterest

Bạn cũng có thể áp dụng quy tắc này ngay cả với cách Phối màu đơn sắc với 60% màu sáng (tint), 30% màu tối (shade) và 10% màu thuần khiết (hue) hoặc màu trung tính (tone).

Áp dụng quy tắc 60-30-10 trong Phối màu đơn sắc - Ảnh: Pinterest
Áp dụng quy tắc 60-30-10 trong Phối màu đơn sắc – Ảnh: Pinterest

Những cách phối màu cơ bản trên chỉ mang tính chất tham khảo để giúp bạn bớt “nhức não” trong việc lựa chọn màu sắc. Hãy thử áp dụng hoặc kết hợp những cách trên và sử dụng sự sáng tạo của mình để điều chỉnh và tạo ra những bảng màu mới! 

Bạn cũng có thể tham khảo những cách phối màu cơ bản được áp dụng linh hoạt trong chuỗi bài Gợi ý bảng màu trang trí nhà đẹp.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top

Đăng ký Waitlist

Khoá học đang trong giai đoạn hoàn thiện 10% cuối cùng.

Bạn vui lòng để lại email để nhận thông tin sớm nhất về Khoá học nhé!